Phong cách sáng tác Takahashi_Rumiko

Xây dựng nhân vật

Trong hai năm dưới sự hướng dẫn của Koike Kazuo, Takahashi Rumiko đã học và hiểu được tầm quan trọng về tính cách đa dạng của các nhân vật. Thầy Kazuo luôn nhấn mạnh: "Linh hồn của truyện tranh là nhân vật... nếu nhân vật được thiết kế tốt thì tác phẩm sẽ rất thành công."[11] Và vì vậy, các nhân vật của bà, từ nam vai chính Ataru Moroboshi trong Urusei Yatsura cho đến một Angela vô tư trong Ichi-Pondo no Fukuin, hầu hết đều mang một tính chất đa dạng mà đặc trưng, phong phú, vui nhộn và không kém phần hấp dẫn dù là nam hay nữ. Đồng thời các nhân vật do Takahashi xây dựng cũng luôn chiếm được sự đồng cảm rất lớn của người đọc. Ví dụ như nhân vật Godai Yusaku trong Mezon Ikkoku: người đọc luôn cảm thấy buồn khi anh thất bại và tuyệt vọng, nhưng lại thật sự vui mừng khi anh đạt được thành công. Độc giả chưa bao giờ cười trên những thất bại của anh. Một ví dụ khác là chàng công tử Mitaka Shun: tác giả Takahashi không thiết kế anh theo mẫu một "công tử bột" đáng ghét như thường lệ, trái lại bà cho Shun một tình yêu chân thành và tha thiết với nhân vật Kyoko, giống hệt như tình cảm của cậu học trò nghèo Godai. Sự tương đồng này khiến độc giả nhận ra rằng: một con người không phải được đánh giá bằng tiền bạc, danh vọng hay sự nghiệp mà chính bằng tình cảm và tâm hồn của anh ta.[12]

Hơn nữa, Takahashi còn có biệt tài tạo ra một lực lượng nhân vật rất đông đảo khiến cốt truyện luôn tươi mới và phong phú. Bà từng thổ lộ rằng đôi khi bà giải quyết tình trạng thiếu hụt ý tưởng bằng cách... thêm nhân vật mới để đem lại "sức sống mới" cho tác phẩm và cũng khiến tác phẩm "đỡ nhàm chán".[4][23] Đồng thời các nhân vật của bà đều được đặt trong những tình huống đặc biệt mà hiếm có mangaka nào làm được.[24] Và, các nhân vật của bà đều có chung một đặc tính: sự "không hoàn thiện". Theo Takahashi Rumiko, những nhược điểm trong các nhân vật của bà sẽ mang lại tính hài hước đặc trưng cho câu chuyện, hoặc đem lại sự đồng cảm của độc giả đối với những nhân vật đó.[25] Một điểm giống nhau khác là các nhân vật của Takahashi Rumiko luôn thuộc dạng "trẻ mãi không già", lý do theo Takahashi, đơn giản "vì đó là mangaaaaa...".[26]

Đặc biệt, trong các tác phẩm của mình, Takahashi đã phá tan bức rào chắn của những thành kiến "kỳ thị giới nữ" như kín đáo, yếu ớt, phụ thuộc... mà chúng ta thường thấy trong các shōjo, shōnen manga trước đó. Nhân vật nữ của Takahashi không những mạnh mẽ, thông minh mà còn tràn đầy tự tin và nghị lực; đôi khi cũng táo bạo không thua gì các nam vai chính.[9]

Ngoài ra, hầu hết trong các truyện của bà, vốn không có nhân vật tốt, xấu, mà chỉ là những con người, có tình cảm yêu - giận - oán - hờn - vui - buồn... và đôi khi trở nên kì quái tùy theo tình huống.[9] Riêng trong Inu Yasha, các nhân vật của bà được phân chia theo hai tuyến chính diện và phản diện rất rõ ràng, nhưng trong sâu thẳm nội tâm của các nhân vật phản diện vẫn có những "điểm sáng" khiến cho người đọc đồng cảm. "Ngay cả đối với những nhân vật phản diện, tôi cũng không thể tạo ra một mẫu nhân vật mà tôi thật sự ghét. Khi tạo ra những nhân vật phản diện, tôi suy nghĩ rất nhiều về lý do họ trở nên phản diện, về hoàn cảnh và động cơ của họ. Tôi không thể viết họ theo cách khác.".[23] Những mối quan hệ tình cảm giữa các nhân vật diễn biến nhiều khi rất bất ngờ nhưng cũng rất hợp lý.[9]

Có một điều khá thú vị là, giống như tình tiết và cốt truyện, Takahashi không thật sự thiết kế và dự trù một cách chi tiết về đặc tính nhân vật của mình. Cụ thể là, ban đầu bà chỉ phác họa những nét chính, và "tôi thật sự không biết những đặc tính chi tiết của nhân vật trước khi tôi bắt đầu vẽ".[27] Bà cũng không thật sự tính trước việc mình sẽ tạo ra bao nhiêu nhân vật, mà "trong một loạt truyện nhiều tập, số lượng nhân vật cứ thế mà tăng lên.".[23]

Ngoài ra, những "chuyện tình tay ba" giữa các nhân vật là một điểm đáng chú ý trong phong cách sáng tác của Takahashi Rumiko, như chính bà đã thừa nhận rằng "tôi cảm thấy "chuyện tình tay ba" giống như một phần cơ thể của tôi".[27] Bà cũng tiết lộ: người biên tập viên đầu tiên của bà góp ý "những chuyện tình tay ba là yếu tố hấp dẫn nhất". Giải thích về việc này, Toriyama Akira cho rằng người biên tập viên đầu tiên của một mangaka luôn để lại ảnh hưởng rất lâu dài cho mangaka đó.[27]

Cốt truyện và tình tiết

Khi xây dựng cốt truyện, Takahashi ít khi tính xa, cụ thể hơn là bà ít khi lập một kế hoạch chi tiết và cụ thể cho cốt truyện của mình mà chỉ đơn giản "thiết kế các nhân vật và các mối quan hệ, sau đó để câu chuyện tự phát triển",[28] và trong quá trình sáng tác "bất thình lình một vài ý tưởng mới xuất hiện".[27] Theo quan điểm của Takahashi, việc buộc các nhân vật của mình đi theo một hướng đã tính sẵn trước đó sẽ khiến một bộ manga mất đi tính hấp dẫn, và "những gì bạn suy nghĩ trong đầu chỉ áp dụng hiệu quả nhất tại thời điểm hiện tại, ngay trước khi bạn thực hiện bước đi tiếp theo",[25] đồng thời việc "bị cưỡng ép bởi kế hoạch quá mức sẽ khiến các nhân vật của bạn không thể hoàn tất tốt vai diễn của mình".[27] Có lẽ điều này đã khiến các tác phẩm của Takahashi Rumiko có cốt truyện luôn luôn độc đáo, mới mẻ với biết bao bất ngờ, và những diễn biến, tình tiết luôn sống động, tươi mới;[29] chính những điều đó đã góp phần làm nên thành công cho các tác phẩm của Rumiko. Một ví dụ như, Urusei Yatsura có cốt truyện chứa đầy những sự bất ngờ, những "cạm bẫy" khó đoán, luôn đưa người đọc từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác.[12]

Một điểm đặc biệt trong các tác phẩm của Takahashi Rumiko là tính hài hước đặc trưng. Các tác phẩm của Takahashi Rumiko, dù là thuần hài hước như Ranma hay nghiêm túc như Inu Yasha luôn đem lại cho độc giả những tràng cười sảng khoái. Takahashi Rumiko từng nhấn mạnh rằng "hài hước" là một thế mạnh trong sáng tác của bà, bà luôn mong độc giả cười khi đọc các tác phẩm của mình.[25] "Tôi muốn viết những tác phẩm hài, vì đó là con đường tốt nhất để nhanh chóng đến được với độc giả. Tôi có một nhiệm vụ phải xem độc giả cười khi họ đọc tác phẩm của tôi. Nếu tác phẩm trở nên nghiêm túc thì rất khó để xác định độc giả có thích hay không. Tôi nghĩ có lẽ tôi chỉ là một đứa trẻ !".[11] Và, các mối quan hệ tình cảm, nhất là tình yêu cũng là một nét chủ đạo trong các tác phẩm của Takahashi Rumiko. Bà đã nói rằng hài hước và tình cảm là hai đề tài quan trọng trong các tác phẩm của mình.[26]

Takahashi Rumiko từng băn khoăn về việc: liệu các tác phẩm của bà - nói chung - và các yếu tố hài hước - nói riêng - có phù hợp với thị hiếu của công chúng phương Tây không. "Khi tôi xem các tác phẩm hài của Mỹ - kể cả khi các tình tiết hài hước đã được dịch sang tiếng Nhật - có nhiều lúc tôi cảm thấy bối rối, khó hiểu và nghĩ: A, thì ra người Mỹ có thể cười nhiều hơn trong những trường hợp thế này. Tôi cho rằng những yếu tố như vậy phải xuất hiện trong các tác phẩm của tôi." Tuy nhiên bà vẫn tự tin rằng, những yếu tố hài hước trong các tác phẩm của bà đủ sức để đem lại những tràng cười sảng khoái cho độc giả ở nhiều nền văn hóa khác nhau.[10]

Các tác phẩm của Takahashi thường mang một kết thúc tốt đẹp, thậm chí những tác phẩm có nhiều tình tiết gây nói lên sự đau khổ và khó khăn thì "tất cả sẽ được bù đắp vào một thời điểm nào đó." Bản thân Takahashi thích viết một câu chuyện với kết thúc tốt đẹp: "vì như thế tôi có thể cảm thấy vui với tác phẩm của mình sau khi tôi hoàn thành nó."[23] Theo bà, "manga dành cho thiếu niên nên kết thúc có hậu"[18].

Phong cách mỹ thuật

Nét vẽ của Takahashi Rumiko được đánh giá là đơn giản nhưng không kém phần trang nhã; vừa có sự mềm mại dịu dàng của người phụ nữ lại vừa có sự mạnh mẽ, rắn chắc rất nam tính; vừa có sự hiện thực lại có sự phóng đại đặc trưng của truyện tranh.[30] Những nét vẽ của bà đôi khi tưởng như đơn giản nhưng lại chứa đựng vẻ đẹp hết sức tinh tế. Ngoài ra Takahashi còn có khả năng vẽ nên những chi tiết hết sức tinh vi và vô cùng chính xác.[30]

Phong cách mỹ thuật của Takahashi có một sự thay đổi lớn qua thời gian. Ban đầu, nét vẽ của bà còn tương đối thô sơ và có thể thấy rõ ảnh hưởng của một số mangaka đương thời như Tezuka Osamu. Tuy nhiên từ thập niên 1980 trở đi, phong cách mỹ thuật của Takahashi bắt đầu có sự chuyển mình và bà đã tạo ra được những nét đặc trưng khó lẫn với các mangaka khác. Đồng thời, nét vẽ của Takahashi trở nên sắc sảo và chi tiết hơn rất nhiều.[30] Nguyên nhân của việc này, một phần là bà đã có thói quen "vẽ không ngừng" từ ngày còn ở trường phổ thông; một phần khác là do bà đã có thêm một đội ngũ cộng sự tài năng.[30] Có một điều khá đặc biệt là các trợ lý của Takahashi Rumiko đều là nữ để tránh những chuyện phiền phức xảy ra trong quá trình làm việc. Đội ngũ họa sĩ của Takahashi đã cho "ra lò" 100 trang manga mỗi tháng.[8]

Một điều đáng chú ý là các manga của Takahashi Rumiko hoàn toàn được vẽ và tô màu bằng tay, không hề có sự trợ giúp nào của máy vi tính. Takahashi từng thừa nhận là bà "không hề sở hữu chiếc máy vi tính nào cả".[15]

Những nguồn ảnh hưởng đến các sáng tác

Dễ thấy nhất, đó chính là văn hóa, lịch sử và con người Nhật Bản truyền thống nói riêng và Á Đông nói chung, nhất là những truyện cổ, thần thoại Nhật Bản. "Tôi luôn muốn đưa vào tác phẩm những chất liệu Nhật Bản, lối sống và suy nghĩ Nhật Bản... kể cả những khái niệm như cảm nhận thoáng qua của bốn mùa.".[11] Tromg một cuộc phỏng vấn, Takahashi cho biết văn hóa và chuyện kể dân gian là một mô-típ chủ đạo, là một nền tảng trong các sáng tác của mình, "thật là dễ dàng khi kết bện lại với nhau những câu chuyện kể mà mọi người đều biết".[31] Điều này có thể thấy rõ ràng trong các tác phẩm như Urusei Yatsura, Một nửa Ranma, Ningyo Shirīzu và Inu Yasha.[32] Một ví dụ nhỏ là, nhân vật Benten trong Urusei Yatsura lấy cảm hứng từ vị thần Benten trong thần thoại Nhật Bản,[11] còn bản thân Urusei Yatsura được mệnh danh là một kho tàng về văn hóa và con người ở xứ sở Mặt trời mọc. Chủ đề về người cá và sự bất tử trong Ningyo Shirīzu cũng là một nét nổi bật trong thần thoại Nhật Bản. Và Inu Yasha cho ta thấy toàn cảnh Nhật Bản vào thời Chiến Quốc, với những phong tục, tập quán, những nét văn hóa, con người Nhật Bản đặc trưng. Một điểm khá thú vị là những cảnh khỏa thân, hoặc những tình tiết liên quan đến khỏa thân trong các tác phẩm của Takahashi cũng liên quan đến một nét văn hóa truyền thống của Nhật Bản.[33] Mặc dù vậy, Takahashi Rumiko chỉ đơn thuần sử dụng nó để tạo ra những tình huống trớ trêu và hài hước, bà không hề có ý định cho độc giả thấy những con người khỏa thân thật sự.[33]

Đồng thời, những yếu tố văn hóa nước ngoài, chủ yếu là ở Âu Mỹ, và văn hóa hiện đại cũng tác động đến các sáng tác của Takahashi. Đầu tiên những truyện tranh nổi tiếng ở phương Tây như The Hulk, Fantastic Four, Người nhện, Archie cũng ảnh hưởng khá nhiều đến Takahashi: "Khi tôi còn học trung học, tôi rất thích Người nhện... tôi nghĩ rằng truyện tranh Nhật Bản phải cần thêm một cái gì đó, và tôi đưa chúng vào các tác phẩm của tôi.".[11] Một số ý kiến cho rằng các nhân vật Lum, Ataru, Mendo trong Urusei Yatsura có cái gì đó rất giống với Betty, Archie và Reggie trong Archie.[11] Cũng phải kể đến một TV series khá nổi tiếng ở Mỹ trong các năm 1964-1972 là Bewitched, chính nó là nguồn cảm hứng xây dựng nên nhân vật Lum trong Urusei Yatsura.[34] Những phim hoạt hình Âu Mỹ như phim của hãng Disney đã phần nào đó có ảnh hưởng đến bà dù "không thật sự cụ thể". Giải thích thêm, Takahashi dẫn ra ví dụ về việc Tezuka Osamu "xem phim hoạt hình của Disney và tạo nên manga ngày nay" và nói: "Thế hệ chúng tôi đọc những truyện ấy từ nhỏ đến lớn, vì vậy có lẽ tôi nghĩ phần nhiều tôi cũng thuộc trường hợp đó."[31]

Một số nhà văn cũng để lại nhiều ảnh hưởng đến Takahashi Rumiko. Bà thổ lộ rằng mình rất thích đọc những truyện hài của Tsutsui Yasutaka và, dĩ nhiên, Yasutaka đã ảnh hưởng rất lớn đến phong cách sáng tác của Takahashi. Bà nói: "Tôi từng ước mơ rằng tôi làm được những manga buồn cười như vậy."[31]

Tuy nhiên, trong khi nhiều mangaka khác lấy điện ảnh làm cảm hứng cho các sáng tác của họ, thì "...tôi nghĩ nhiều mangaka rất thích phim điện ảnh, nhưng tôi nghĩ tôi hơi khác, vì một số lý do nào đó. Tôi không thường xuyên xem phim lắm."[11] Đối với Takahashi Rumiko thì: "Tôi chỉ xem phim để giải trí."[31]

Một điều thú vị là chính tác giả đã thừa nhận: "Tôi không dùng sách báo và tài liệu tham khảo. Khi phác thảo tác phẩm, tôi chỉ ghi chép lại những ý tưởng xuất hiện trong tâm trí tôi. Trong đầu tôi luôn có ý tưởng, nhưng tôi chỉ thật sự tập trung khi ngồi trên bàn vẽ."[23]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Takahashi_Rumiko //nla.gov.au/anbd.aut-an40293156 http://www.anime.com/Rumiko_Takahashi/ http://www.animeacademy.com/profile_takahashi_rumi... http://animenewsnetwork.com/article.php?id=6753 http://www.animenewsnetwork.com/encyclopedia/peopl... http://www.animenewsnetwork.com/news/ng%C3%A0y http://www.furinkan.com http://www.furinkan.com/features/articles/itsarumi... http://www.furinkan.com/iycompanion/manga/about.ht... http://www.furinkan.com/maison/manga/about.html